Người vuốt gốm bằng tay cuối cùng ở Bát Tràng

     "Cơn lốc" công nghệ đã buộc nhiều làng nghề phải tự mình thay đổi, áp dụng máy móc, từ bỏ việc sản xuất thủ công. Làng gốm Bát Tràng cũng không phải ngoại lệ. Tính đến nay, làng chỉ còn một người duy nhất sử dụng phương pháp vuốt nặn gốm bằng tay truyền thống. Đó là Phạm Anh Đạo, chàng trai khiếm thính nặng lòng với gốm.  

Anh Phạm Anh Đạo

 

Ngược chiều thời gian

 

     Phạm Anh Đạo sinh năm 1977, trong một gia đình nhiều đời theo nghề làm gốm. Sau một đợt bạo bệnh phải dùng kháng sinh liều cao, cậu bé Đạo mất hoàn toàn thính giác. Chưa học hết lớp 6, Đạo phải nghỉ vì khiếm thính không theo học kịp các bạn cùng lớp. Nghỉ học, cậu phải đi làm gốm thuê cho những gia đình khá giả. Từ ấy, những viên đất, chiếc bàn xoay đã gắn bó với cậu bé khiếm thính.

 

     Năm 17 tuổi, Đạo xin vào làm ở Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Nhờ có tay nghề, tuy mới được nhận vào xí nghiệp, anh đã được giao công việc quan trọng nhất trong các công đoạn làm gốm là làm cốt để đúc khuôn. Hàng ngày, sau những giờ làm ở xí nghiệp, Phạm Anh Đạo thường tự mình học cách vuốt nặn gốm bằng tay.

 

Phạm Anh Đạo bên hai chiếc chóe vuốt bằng tay lớn nhất.

 

     Năm 2002, Phạm Anh Đạo xin nghỉ làm ở Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Anh được bố mẹ mở cho một xưởng gốm ngay tại nhà. Người dân Bát Tràng lúc ấy đua nhau đầu tư tiền mua máy móc hiện đại về sản xuất gốm hàng loạt cung ứng ra thị trường. Với Đạo thì khác, anh quyết tâm sử dụng phương pháp nặn gốm bằng tay, bỏ ngoài tai những lời khuyên can của gia đình và những lời mỉa mai của một vài người. "Sản phẩm đầu tiên tôi tập vuốt bằng tay là cái bát. Song, không biết thế nào lại thành ra cái... đĩa", Đạo thật thà chia sẻ. Vì không có khuôn vuốt và kinh nghiệm chưa nhiều nên những lần đầu tiên mới vuốt, đất văng ra khỏi bàn xoay, bắn tung tóe lên người.

 

     Không nản chí, Đạo thử đi thử lại nhiều lần, tự mày mò học hỏi và rút kinh nghiệm. Những lần sau, các tác phẩm của Đạo đã dần thành dáng, có hồn hơn. Sau những nỗ lực không ngừng, thành công đã dần đến với anh. Ba chiếc bình lớn được mang đi dự triển lãm làng nghề ở Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) có người trả hơn 70 triệu đồng/chiếc, nhưng Đạo không bán vì "không muốn bán đi những cái tâm đắc".

 

     Nói về chuyện nghiện gốm của Đạo, vợ anh ví von: "Anh Đạo có hai vợ. Vợ cả là em, còn bà hai là gốm". Chị nhớ lại: "Năm 2003, em bị ốm nhờ chồng chở đến trạm xá. Ai đời vợ thì đang đau bụng như thế, đi qua đình làng thấy người ta đang vẽ, nặn hai con rồng thì anh Đạo liền dừng xe lại, mặc kệ cho vợ ôm bụng quằn quại, lẩn vào đám đông ngắm người ta vẽ, nặn cả giờ đồng hồ".

 

     Vợ anh Đạo bộc bạch, khiếm thính cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của chồng mình. Trước đây có một doanh nhân trong ngành gốm Nhật Bản đến Bát Tràng du lịch.     Người này "chết mê chết mệt" trước những sản phẩm của anh Đạo. Một thời gian sau vị này quay lại, mời anh Đạo sang Nhật làm giáo viên dạy nghề cho một trường ở nước ngoài nhưng biết trước được việc anh bị điếc sẽ rất khó khăn trong việc giao tiếp nên gia đình chị đã từ chối. Hiện nay, trong cuộc sống cũng như công việc, vợ anh vừa là người giúp việc, vừa là "tai, miệng" của chồng.

 

"Phù thủy" nghề gốm

 

     Bệnh tật đã cướp đi đôi tai nhưng có lẽ ông trời thương cảm đã bù lại cho Đạo đôi tay như có "phép thuật". Từ những cục đất vô tri vô giác, bàn tay đã thổi hồn cho những cục đất ấy, tạo nên thông điệp và tiếng nói cho gốm. Những sản phẩm của anh được người ta đánh giá là "hàng độc" và không bao giờ có chuyện "đụng hàng" dù hai sản phẩm ấy do chính một tay anh làm.

 

     Đạo giải thích: "Điểm mà khiến khách tham quan thích thú sản phẩm gốm vuốt bằng tay ở chỗ: cùng một thời điểm, cùng một người, cùng chất đất... nhưng không thể nào vuốt, nặn được ra hai sản phẩm giống hệt nhau. Có khi cái này cao hơn cái kia nhưng cái kia lại dày hơn cái này... Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của vuốt gốm bằng tay và làm gốm bằng máy móc".

 

Một trong 10 mẫu tách Đạo sáng tạo cho một hãng cà phê.

 

     Năm 2008, một hãng cà phê từng đến tận nhà nhờ anh vuốt nặn giúp 10 mẫu tách uống cà phê được họ thuê người thiết kế sẵn. Sau khi vuốt nặn xong 10 mẫu tách theo thiết kế của họ, anh Đạo tự mình sáng tạo ra 10 mẫu mới. Nhìn thấy những sản phẩm mà Đạo sáng tạo ra, người đặt hàng như bị hút hồn nên lập tức hủy bỏ những mẫu mà họ thuê thiết kế trước đó và làm hợp đồng gần 30 ngàn chiếc tách cà phê theo mẫu của anh Đạo. Chỉ trong vòng 9 tháng, Đạo đã hoàn thành bản hợp đồng này. Điều đặc biệt là trong 30 ngàn chiếc tách ấy không chiếc nào giống hoàn toàn chiếc nào.

 

     Dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đạo cũng chào mừng sinh nhật Thủ đô ngàn năm tuổi bằng cách riêng: tự tay làm 5 sản phẩm, gồm hai chiếc chóe, hai lọ lục bình và một chiếc bát hương lớn nhất trong dòng sản phẩm gốm vuốt bằng tay. Mỗi chiếc chóe có trọng lượng 5 tạ, chiều cao 1,95m, đường kính gần 1,2 mét, phải 8 người mới có thể khiêng được hai chiếc chóe này vào nhà.

 

     Đạo đã phải vuốt nặn bằng tay trong suốt 10 tháng trời mới hoàn thành những tác phẩm này. Đạo cười: "Đây là những sản phẩm mình đặt tên là "6 ngày không ngủ"". Anh lí giải, hai vợ chồng phải thức trắng 6 ngày để canh lò nung, riêng tiền ga để nung chín 5 sản phẩm này đã lên đến gần 40 triệu đồng. Hôm nung thành công, cả làng đổ xô đến nhà anh Đạo xem hai tác phẩm "độc nhất vô nhị" này. Theo anh, sắp tới anh sẽ đăng kí những sản phẩm này lên kỷ lục Guinness Việt Nam cho sản phẩm gốm vuốt nặn bằng tay lớn nhất

 

Năm 2006, anh vinh dự đón nhận danh hiệu Thanh niên Thủ đô tiêu biểu; Năm 2009, Phạm Anh Đạo được vinh danh tại Đại hội tài năng trẻ Việt Nam; 10 gương mặt trẻ Thủ đô năm 2009; Đoạt giải xuất sắc trong hội thi bàn tay vàng nghề gốm sứ 2006... Tháng 10.2010 vừa qua, chàng trai khiếm thính này còn nhận được Giấy khen của hội thi thao diễn tay nghề, nghệ nhân, thợ giỏi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Được biết, những sản phẩm của anh còn thường xuyên được đem ra nước ngoài triển lãm.

Lượt truy cập: 3999 - Cập nhật lần cuối: 30/09/2011 16:54:43 PM

Giỏ hàng