Hình ảnh dân tộc được khắc họa trên gốm sứ Bát Tràng

      Ngày nay, làng nghề Bát Tràng không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được biết đến ở nhiều nước như: Trung Quốc, Pháp, Mĩ, Nhật Bản… Danh tiếng ấy có được bởi gốm sứ Bát Tràng mang nét đẹp của chất men và dáng gốm, quan trọng hơn, nó mang trong mình cái hồn quê của dân tộc.    

     Chính nét đẹp dung dị của quê hương, đất nước vương trên từng dáng, từng hình của những sản phẩm gốm đã làm mê say biết bao tâm hồn người Việt và vươn ra quốc tế như một nét văn hóa đẹp của dân tộc. Khi mới ra đời, Bát Tràng là một làng nghề chuyên sản xuất gạch xây nhà và một số mặt hàng phục vụ đời sống, sinh hoạt như: bát, chén, tích uống nước, bình cắm hoa,… Vì vậy, những sản phẩm gốm sứ không mang tính nghệ thuật. Tuy nhiên, khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, sản phẩm gốm sứ do người dân nơi đây làm ra không chỉ ‘tự cung tự cấp” mà còn để “thông thương”, buôn bán với bên ngoài. Chính vì thế, gốm sứ Bát Tràng ngày càng đa dạng về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

     Gốm sứ Bát Tràng rất phong phú về họa tiết trên mẫu mã của sản phẩm. Từ xa xưa, văn hóa Việt Nam ít nhiều chịu ảnh  hưởng của văn hóa Trung Quốc. Vì vậy, họa tiết trên gốm sứ Bát Tràng có không ít những tích bên Trung Quốc: cảnh Xuân Thủy, Bát tiên quá hải (tám vị tiên vượt biển) hay Trúc lâm thất hiền (bảy vị tiên đàm đạo, uống trà trong rừng trúc)… Tuy nhiên, nó được thể hiện rất riêng theo phong cách của người Việt Nam và gửi gắm vào đó là việc đề cao sự tài tình, nhạy bén của con người trong đời sống lao động.

     Họa tiết trên gốm sứ Bát Tràng còn mang những nét hiện đại để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng ngày càng đa dạng của con người. Trong những sản phẩm gốm xuất hiện những bức tranh tĩnh vật nhiều màu sắc, được cách điệu. Ngoài ra, trên những mặt hàng như: cốc nước, ấm chén hay những chiếc vòng tay, vòng cổ, những chiếc thắt lưng,…lại được trang trí theo phong cách hiện đại. Người nghệ nhân sử dụng các loại hoa văn kiểu chấm tròn, vòng xoáy, hoa lá cách điệu hay những nhân vật hoạt hình trong truyện tranh,… để làm cho chúng trở nên trẻ trung, sinh động và hợp thời đại hơn. Và đó là những sản phẩm chiếm được nhiều cảm tình của giới trẻ.

     Mặc dù có rất nhiều sự phá cách trong họa tiết trang trí, nhưng gốm sứ Bát Tràng vẫn thấm đẫm trong mình cái đẹp của quê hương, đất nước: đó là một thời lịch sử đầy gian khổ nhưng huy hoàng và oai hùng của dân tộc, là cuộc sống lao động cũng như đời sống tinh thần phong phú của cư dân lạc Việt. Nhìn vào những họa tiết trên gốm sứ Bát Tràng ta như nhìn thấy lịch sử dân tộc từ xa xưa vọng lại. Rồng là hình ảnh xuất hiện nhiều trên những chiếc bình gốm cỡ lớn, thường đặt ở phòng lớn hoặc trên ban thờ. Sở dĩ người nghệ nhân vẽ Rồng bởi Rồng là một trong bốn tứ linh: Long, Lân, Quy, Phượng. Nó là loài động vật cao quý, mình có vảy tượng trưng cho may mắn. Hơn nữa, Rồng cũng tượng trưng cho trí tuệ, tín ngưỡng, niềm tin, lí tưởng, nguyện vọng của con người. Riêng với người dân Việt Nam, Rồng là “cha” của họ và truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” với hình ảnh Rồng đã trở nên linh thiêng, ăn sâu vào tiềm thức của con người Việt. Có lẽ cũng vì lí do này mà Việt Nam có kinh thành Thăng Long (Rồng bay) - thủ đô đầu tiên của đất nước, có thắng cảnh nổi tiếng Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc và có cả một mảnh đất màu mỡ, quanh năm tốt tươi mang tên Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở phía Nam của tổ quốc. Hình ảnh Rồng bay lượn, uốn khúc đã làm “mê say” người nghệ nhân và những người thưởng thức nghệ thuật phải chăng vì trong nó hàm chứa sức mạnh và sức sống vĩnh hằng của cả dân tộc Việt.

     Hạc cũng là một trong bốn tứ linh được con người tôn thờ, hình ảnh Hạc không chỉ xuất hiện trên trống đồng Đông Sơn mà còn được các nghệ nhân khéo léo trang trí lên những chiếc bình gốm. Hạc vốn là một con vật của đạo giáo, nó gợi nhắc chúng ta nhớ tới một cái gì đó thanh cao, tinh túy của đất trời. Dường như sự xuất hiện của nó trên gốm sứ Bát Tràng còn tượng trưng cho nét đẹp trong tâm hồn người người Việt Nam và mong ước của họ sao cho “thiên địa nhân hòa”, để cuộc sống luôn yên bình, êm ấm, hạnh phúc.

     Trên những mảnh gốm tưởng chừng như vô tri vô giác, bằng bàn tay khéo léo cùng sự am hiểu sâu sắc về lịch sử dân tộc, những người nghệ nhân đã tái hiện một cách sinh động hình ảnh cha ông ta thuở xưa. Hình ảnh người dân lạc Việt cổ, đầu đội mũ lông chim, thân đóng khố, chèo thuyền, vượt thác mãi in sâu trong tâm trí ta về một thời kì lịch sử đầy sơ khai, thiếu thốn của cả dân tộc. Nhưng nhìn hình ảnh oai hùng của Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước ta lại cảm thấy tự hào. Không chỉ có vậy, lịch sử tiếp tục hiện lên qua hình ảnh vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa vàng để tỏ lòng biết ơn khi đất nước được thái bình, thịnh trị… Việc khắc họa lịch sử dân tộc trên gốm đã thể hiện tấm lòng của người nghệ nhân luôn hướng về cội nguồn dân tộc, luôn sống, ghi nhớ công lao của ông cha. Phải chăng đó cũng là lời nhắn gửi thân tình của họ đến mỗi người dân Việt Nam?

     Không chỉ phản ánh lịch sử của dân tộc, gốm sứ Bát Tràng còn thể hiện cuộc sống lao động của con người. Hình ảnh người Việt cổ đập lúa, chèo thuyền, vượt biển, rồi hình ảnh người nông dân Việt Nam cần cù, chịu khó chăn trâu, cắt cỏ, tát nước,…trên cánh đồng làng trải dài mênh mông, bất tận đã trở nên quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Cũng vậy, gốm Bát Tràng còn mượn những hình ảnh dân gian, những sự tích của tranh Đông Hồ để vẽ lên cuộc sống lao động muôn màu, muôn sắc của cư dân đất Việt. Đó là câu chuyện Tấm Cám, Sọ Dừa… những con người hiền lành, đôn hậu, quanh năm cần cù lao động, chi chút làm ăn. Tuy vậy, họ gặp rất nhiều khó khăn trong lao động, sản xuất như thiên tai, bão lũ (Sơn Tinh -Thủy Tinh), khi phải đối mặt với những thế lực đen tối: ma, quỷ… Tranh “Thạch Sanh chém chằn tinh” thường được dùng để treo trang trí trong các gia đình, nó giúp mỗi chúng ta như hiểu thêm về quá trình đấu tranh gian khổ trong lao động của ông cha ta, đồng thời thấy được sức mạnh của con người lao động và ước mơ của họ về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Hơn thế nữa, người nghệ nhân cũng muốn gửi gắm đến chúng ta một đạo lí sống: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Trên những bức tranh gốm còn khắc họa các hình ảnh sinh hoạt khác như: cảnh đánh ghen, hái dừa hay đám cưới chuột,…Người nghệ nhân thật tinh tế và sâu sắc khi mượn tranh dân gian để phản ánh cuộc sống của con người trên từng sản phẩm gốm, điều đó tạo ra sự gần gũi giữa con người xưa và nay, giữa quá khứ xa xôi và cuộc sống thực tại.

 

Tranh gốm Bát Tràng

Mặc dù đời sống lao động của người dân Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng đời sống tinh thần của họ thì vô cùng phong phú. Hàng năm, trên cả nước xuất hiện nhiều lễ hội lớn: chọi trâu, chọi gà, đấu vật, đua thuyền,…những hoạt động ấy thường diễn ra vào đầu năm mới, khoảng thời gian mà nhân dân ta vẫn gọi là “tháng ăn chơi”. Những lễ hội diễn ra để kết thúc một năm lao động vất vả, khó khăn, đồng thời thể hiện ước nguyện muôn đời của người dân lao động có một cuộc sống no ấm, hạnh phúc trong năm mới. Tất cả những hoạt động tinh thần ấy đều được những nghệ nhân của mảnh đất Bát Tràng vẽ lên sinh động và đẹp mắt trên những bức tranh gốm. “đấu vật” là một trong số những bức tranh đẹp thể hiện rõ điều đó. Nhìn vào đó ta không chỉ thấy được hoạt động tinh thần của con người mà còn thấy được sức mạnh, sự dẻo dai của người dân lao động.

     Nếu dạo qua thị trường gốm sứ vào dịp tết Nguyên Đán, chúng ta dễ dàng nhận thấy những bức tranh thờ làm bằng gốm được tiêu thụ khá nhanh. Một số bức tranh được nhiều khách hàng ưa chuộng như: tranh “đàn lợn âm dương”, hay “đàn gà mẹ con”,…đó là những bức tranh mang ý nghĩa về một cuộc sống sung túc, ấm no, gia đình yêu thương, gắn bó, bảo vệ nhau. Ngoài ra, tranh chúc tụng như: “Vinh hoa, Phú quý”, hay “Như ý, Cát tường” cũng là một trong số những loại tranh gốm dành được nhiều tình cảm của khách hàng. Hình ảnh hai đứa trẻ nhỏ, bụ bẫm, mặc yếm, một đứa bé ôm con gà tượng trưng cho người con trai sau này khỏe mạnh, có năm đức tính đẹp của con gà trống: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Khi trưởng thành sẽ là người con trai tung hoành ngang dọc. Còn hình ảnh bé gái ôm con vịt, tượng trưng cho người con gái mai này ngoan ngoãn, hiền lành, xinh xắn, có một cuộc sống hạnh phúc với “con đàn cháu đống”.

     Ngoài phản ánh những hoạt động văn hóa, lễ hội, lịch sử dân tộc, những họa tiết trên gốm Bát Tràng còn thể hiện tinh thần hiếu học của con người Việt Nam. Hình ảnh thầy đồ dạy chữ cho các trò nhỏ từ khi đầu còn trái đào trên những bức tranh gốm gợi nhắc chúng ta nhớ đến những vị học sĩ, những người tài của đất Việt như: Trạng Hiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần đây là Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc đã giải thoát cho đất nước Việt Nam nhỏ bé thoát khỏi gông cùm của bọn thực dân, phát xít,…Những bức tranh với nội dung giản dị đã nhắc nhở chúng ta phải cố gắng học hành theo gương cha anh xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

     Họa tiết trang trí được các nghệ nhân khắc, vẽ lên gốm sứ Bát Tràng thật phong phú. Trên những bức tranh gốm, lọ gốm,…ta nhìn thấy lịch sử dựng nước, giữ nước của cả dân tộc, thấy cuộc sống lao động và những nét văn hóa của đất nước, con người Việt Nam. Nhưng  không chỉ có vậy, gốm sứ Bát Tràng còn đem đến cho chúng ta những cái nhìn đa chiều về thiên nhiên, cảnh đẹp của đất nước. Dạo qua những gian hàng đồ gốm có đôi phút ta “chạnh lòng” nhớ tới quê hương mình. Trên những bức tranh gốm xuất hiện các hình ảnh quen thuộc như: cây đa, giêng nước, sân đình, mái nhà tranh được phủ rơm nếp vàng còn thơm mùi lúa mới thấp thoáng sau những lũy tre,…Cảnh quê hương yên ả, thanh bình, đậm chất thôn quê như vậy làm sao mà không thương, không nhớ cho được. Đâu chỉ có vậy thôi, nếu là người Hà Nội khi bắt gặp hình ảnh về một khu phố cổ với “con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ”, một gánh hàng hoa hay một tiếng giao trong đêm vắng sẽ không thể không thấy xao xuyến trong lòng. Bức tranh ấy sẽ khiến trái tim họ quặn thắt, nhói đau khi nhớ đến một Hà Nội cổ kính, trang nghiêm, gợi cho họ nhớ về quá khứ, cội nguồn, nhớ về quê hương! Việt nam là một đất nước nhỏ bé nhưng nó không chỉ có những vùng quê yên ả, thanh bình, không chỉ có một Hà Nội đáng nhớ mà còn có rất nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp: Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Hồ Gươm,…tất cả đều được thể hiện tài tình trên những bức tranh gốm. Họa tiết trên gốm sứ Bát Tràng đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về đất nước Việt, con người Việt. Nhìn vào đó, ta tự hào về mảnh đất giàu truyền thống, giàu văn hóa, từ đó thêm yêu quý mảnh đất và con người nơi đây.

      Người xưa thường nói: “nhất dáng, nhì men, thứ ba chạm khắc”, ý muốn đề cao tính nghệ thuật của dáng và men. Tôi không phản đối điều đó nhưng tôi cho rằng: tấm lòng, tâm hồn cùng bàn tay khéo léo để tạo nên những hoa văn trên gốm đã là cả một nghệ thuật tạo hình của người nghệ nhân. Hi vọng rằng, trong tương lai, gốm sứ Bát Tràng sẽ được biết đến nhiều hơn trên trường quốc tế. Nó sẽ không chỉ phát triển theo xu hướng của xã hội hiện đại mà vẫn giữ được cái hồn quê trên từng sản phẩm.

Lượt truy cập: 4659 - Cập nhật lần cuối: 29/08/2011 08:18:44 AM

Giỏ hàng