Gốm sứ sơn mài

     Trở lại Bát Tràng vào một chiều cuối năm. Lang thang mãi trong chợ gốm ngay đầu làng, cũng không kiếm được sản phẩm “gốm sơn mài” theo yêu cầu của cô bạn tôi bên Pháp nhờ mua.

     Lọ hoa gốm sơn mài mà cô mua được tại Hội chợ thủ công Paris được làm từ xương gốm phủ sơn mài với những mảng khảm xà cừ rất tinh tế. Nó có vẻ đẹp truyền thống toát ra từ chất liệu gốm, từ những nguyên liệu của sơn mài như vỏ trai, bột điệp, vỏ trứng…nhưng lại mang màu sắc hiện đại như đỏ ruby, xanh biếc…

 

     Trở lại Bát Tràng vào một chiều cuối năm. Lang thang mãi trong chợ gốm ngay đầu làng, cũng không kiếm được sản phẩm “gốm sơn mài” theo yêu cầu của cô bạn tôi bên Pháp nhờ mua. Lọ hoa gốm sơn mài mà cô mua được tại Hội chợ thủ công Paris được làm từ xương gốm phủ sơn mài với những mảng khảm xà cừ rất tinh tế. Nó có vẻ đẹp truyền thống toát ra từ chất liệu gốm, từ những nguyên liệu của sơn mài như vỏ trai, bột điệp, vỏ trứng…nhưng lại mang màu sắc hiện đại như đỏ ruby, xanh biếc…

 

Mê vì lạ.

 

     Theo chỉ dẫn của 1 người ở chợ, sau một hồi quanh co trong những đường làng nhỏ hẹp sâu hun hút với những nét đặc trưng của 1 làng nghề cổ Bắc Bộ, tôi cũng tìm được xưởng “Gốm sơn mài”. Nơi mà ở đó, những sản phẩm độc đáo này đã được tạo ra từ ý tưởng của 1 nghệ nhân trẻ.

 

     Khánh tiếp tôi ngay tại xưởng của mình. Giữa bộn bề những lọ gốm thô trắng ngà đủ hình dáng, kích thước, những vỏ trứng, vỏ sò, vỏ trai, bột điệp, những nhựa thông, nhựa dó, thợ của Khánh đang từng bước hoàn thiện sản phẩm cho kịp chuyến xuất khẩu tháng tới. “Em mê gốm từ bé, sống với gốm, lớn lên với gốm, từ chọn đất, pha chế đất, tạo dáng em đều làm từ bé theo nghề của gia đình.

 

     Men lam, men rạn, men nâu đã tạo nên cái hồn cho sản phẩm của gốm Bát Tràng từ bao đời nay nhưng em vẫn trăn trở”. Điều mà Khánh trăn trở bởi lớn lên từ vùng gốm nhưng quê ngoại lại là vùng Kinh Bắc có nghề khảm sơn mài nổi tiếng.

 

     Những bức tranh sơn mài có độ sâu thăm thẳm, màu sắc thay đổi theo từng công đoạn mài, đánh bóng nhìn thấy mỗi lần về quê ngoại khiến Khánh mê mẩn. Sắc màu truyền thống của dân tộc trên mỗi bức tranh sơn mài, trên những lọ sơn mài, hoành phi câu đối luôn mang lại sự hứng thú cho Khánh. Bảo vệ thành công đề tài Gốm sơn mài trong kỳ thi tốt nghiệp đại học, Khánh là người đầu tiên đưa gốm Bát Tràng đến với sơn mài bằng dòng sản phẩm Gốm sơn mài.

 

     Nhìn lô hàng sắp xuất đi của Khánh, tôi không khỏi tần ngần. Sơn mài xưa chỉ có 2 màu cơ bản là cánh gián đen và đỏ. Ngoài những bức tranh sơn mài được các hoạ sĩ chăm chút công phu từ khâu bó hom vóc, trang trí đến mài và đánh bóng có độ sâu thẳm, có độ sáng bóng mang trong đó cái hồn của người nghệ sĩ. Thì nay những sản phẩm gốm sơn mài lại lung linh sắc màu. Lạ hơn là những màu như đỏ ruby, xanh ngọc, xanh biếc trên từng tác phẩm gốm như một khám phá mới về màu sắc của gốm. Gốm thô sau khi tạo dáng được nung như 1 sản phẩm gốm thông thường ở 1200 độ C.

 

     Quy trình sơn mài cho gốm cũng không khác mấy so với sơn mài cốt gỗ. Nhưng trên chất liệu gốm, người thợ sơn mài dễ dàng hơn trong việc tạo độ bóng cho tác phẩm và tạo ra cái hồn cho từng đường nét.

 

     Thú nhất là được ngắm sản phẩm sau khi hoàn thiện. Nó vừa giống như 1 bức tranh sơn mài nhiều màu, có những góc đậm nhạt, sáng, bóng tùy vào từng góc nhìn. Có ánh lấp lánh của vỏ trai, có màu rực rỡ của đỏ, màu mát của xanh, có chiều sâu của hình khối.

 

     Có gì đó vừa lạ vừa quen trong mỗi sản phẩm gốm sơn mài. Gốm thô mộc sù sì được mang trên mình những hoạ tiết hoa văn sáng tạo của màu sơn mài, của sự tài hoa người nghệ nhân. Sự kết hợp tuyệt vời giữa chất liệu gốm và sơn mài đã tạo ra 1 dòng sản phẩm lạ mắt góp thêm vào những giá trị văn hoá truyền thống của người Việt.

 

Thích vì độc.

 

     Đẹp và lạ là cảm giác chung của những người chơi gốm sơn mài. Yếu tố độc của dòng sản phẩm này còn là sự ngẫu hứng của người sáng tác. Xưa làm ra 1 tác phẩm tranh sơn mài rất kỳ công trong khâu mài và đánh bóng.

 

     Cũng họa tiết đấy, hình khối đó, màu sắc đó nhưng mỗi họa sĩ lại tạo ra được nét riêng bởi kinh nghiệm, bởi sự ngẫu hứng khi sáng tạo. Gốm sơn mài không quá cầu kỳ nhưng cũng không hề đơn giản. Nếu muốn có 1 sản phẩm độc, người thợ cũng phải kỹ tính. Hình khối này hợp với hoạ tiết nào? Nguyên liệu gì, vỏ trứng, vỏ sò, vỏ trai hay xơ dừa, đè màu nào cho hợp lý. Chỉ cần nung quá lửa 1 chút là ngả màu khác.

 

     Khâu tạo dáng cho gốm làm nên cái cốt cách của sản phẩm nhưng từng nét vẽ, khảm tạo hoạ tiết lại làm nên cái hồn, cái độc đáo của sản phẩm. Người chơi gốm sơn mài có thể chọn cho mình gu màu sắc, kiểu dáng riêng. Trên 1 hình khối xương gốm có thể tạo ra nhiều màu sắc, hoạ tiết sơn mài khác nhau, độ đậm nhạt của vỏ sò, vỏ trứng tùy thuộc vào thời gian nung qua lửa nhanh hay mau, vào tưừg công đoạn mài và đánh bóng sản phẩm.

Lượt truy cập: 4960 - Cập nhật lần cuối: 22/11/2011 08:55:49 AM

Giỏ hàng