Bát Tràng với những dấu ấn của thời gian đọng lại

Có nhiều lúc, chìm đắm trong cái ngột ngạt cuộc sống thành thị, ta khao khát một khoảng không gian thoáng đãng, thèm lắm một chút dư vị làng quê, hay bỗng dưng nhớ đến những giá trị cổ truyền của dân tộc...

   Tôi đã tìm đến với Bát Tràng để thoả mãn lẽ đó, để được tự do bay bổng những cảm nhận của mình về ngôi làng nhỏ ven sông Hồng vào một chiều cuối thu.

 

     Mùa thu ven đê sông Hồng có cái dư vị là lạ, là mùi của cỏ dại, của phù sa, hay của miền ký ức ngàn xưa thoảng theo làn gió bay về... Làng gốm Bát Tràng nằm yên ả, thanh bình bên con sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Suốt hơn 500 năm qua, có một làng quê giàu nhỏ bé như thế đó, nhưng giàu truyền thống văn hoá, đã gắn liền với lịch sử của dân tộc, vang danh khắp bốn bề. Ngày hôm nay, bức tranh làng quê ngày xưa cùng những dấu ấn thời gian đã qua, vẫn còn chìm đắm đâu đó, hoà lẫn giữa vẻ hiện đại, xa hoa của đô thị.

 

Ai đó đã khéo lưu giữ lại câu ca dao từ ngàn đời xưa:

 

Ước gì anh lấy được nàng

 

Ðể anh mua gạch Bát Tràng về xây

 

Xây dọc rồi lại xây ngang

 

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.


     Câu ca dao khéo léo ngợi ca cái tài hoa của người con trai trong chuyện tình trường, muốn chinh phục người con gái mà mình yêu, phải chọn những gì tinh hoa nhất, cao đẹp nhất. Và gạch Bát Tràng cũng thuộc nhóm tinh phẩm từ lâu lắm rồi. Dẫu là chẳng thể tìm được một cái hồ bán nguyệt nào trên chính quê hương này, nhưng màu thời gian lẫn vào từng mảng rêu nhạt trên những bức tường cổ chính là dấu ấn văn hoá một thời còn sót lại nơi đây.

 

    Về Bát Tràng hôm nay, khắp trong làng ngoài xã đều tấp nập gốm sứ, ít ai biết khởi thuỷ cho làng nghề truyền thống này là việc đóng gạch xây thành. Từ cả nghìn năm trước, những viên gạch Bát Tràng đã đặt nền móng đầu tiên cho một kinh thành mới: thành Thăng Long. Qua nửa thiên niên kỷ, giờ đây ta vẫn bắt gặp những viên gạch ấy trong những công trình kiến trúc tầm cỡ văn hoá, như chùa Dâu, Văn Miếu... Nhưng thiêng liêng nhất lại chính là ở quê hương những hòn đất nung ra đời này đây!

 

     Ai đó hãy thử một lần bước chân vào đình làng Bát Tràng để cảm nhận cái vẻ bề thế, trang nghiêm và cổ kính. Kiến trúc Đình theo lối chữ Nhị, phía sau là Hậu cung, nơi thờ 6 vị thánh thần được được suy tôn là Lục vị Thành Hoàng.

 

Trong đình treo câu đối:

 

Lưỡng giới giao tranh đồ họa nhập


Trùng môn yên nguyệt thái bình khai.

 

Dịch nghĩa:

 

Gianh giới giữa hai nơi đẹp như tranh vẽ

 

Cửa từng lớp, khói che mặt trăng, mở ra một thời thái bình, thịnh trị.

 

     Đình nhìn thẳng ra sông Hồng, cảnh quan bát ngát, trù phú. Ngồi ở quán nước đầu đình, trông ra phía trước, mới thấy lòng mình nhẹ nhàng, thảnh thơi và thoáng đãng đến lạ kỳ.

 

     Chút nắng cuối thu xua đi màn sương lạnh, Bát Tràng hiện ra trong trẻo, tinh khôi hơn bao giờ hết. Vẫn còn đó nét kiến trúc của làng quê Bắc Bộ, với Đình làng, cây đa, bến nước, con sông. Chậm rãi bước đi trên từng con ngõ nhỏ của Làng quê, ta mới ngấm dần cái vẻ yên bình khó tìm chốn phồn hoa đô hội. Thạch Lam từng miêu tả con đường làng thế này: “Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người; trên con đường lát gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhẩy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí.” (Dưới bóng Hoàng Lan).

 

      Dẫu cái vẻ tươi non, thuần khiết ấy đã mai một đi nhiều ở làng cổ Bát Tràng, nhưng không ai có thể phủ nhận sức sống bền bỉ, mãnh liệt của thiên nhiên, của con người nơi đây. Người làng Bát Tràng ví như những cư dân Nhật xa xôi, bởi tính sáng tạo, chăm chỉ, nét tinh hoa trong nghệ thuật gốm sứ, dù mảnh đất màu mỡ năm nào đã phai nhạt đi nhiều, toàn bộ nguyên liệu nhập từ khắp nơi trên đất nước. Chính bởi lẽ đó, người ta nói rằng, tinh hoa của gốm sứ Bát Tràng là tinh hoa của cả dân tộc, bụi đất bốn phương góp thành tinh vật qua đôi tay của những nghệ nhân Bát Tràng: “Gốm sứ Bát Tràng, xinh xẻo, tinh tế đẹp bao nhiêu thì hành trình của đất, của lửa, của mồ hôi con người gian nan bấy nhiêu.”

 

     Làng cổ Bát Tràng hôm nay vẫn trầm mặc, cổ xưa, đậm dấu ấn thời gian. Kỹ thuật hiện đại phần nào giúp con người cải thiện quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường sống. Dẫu vậy, nét cũ kĩ của quá khứ, của cái nghèo, cái thiếu thốn vẫn hằn trên những bức tường, trên đôi bàn tay của con người nơi đây. Bát Tràng trong mắt tôi sao quá nhọc nhằn và chật vật, cho dù những độc bình, đồ mỹ nghệ, chậu sành sứ của Bát Tràng đã đến nhiều châu lục trên thế giới...

 

     Dấu ấn thời gian sẽ chẳng thể nào tồn tại mãi mãi, cho đến khi nào con người biết trân trọng những giá trị cổ truyền của dân tộc. Người làng Bát Tràng vẫn đồng hành cùng làng nghề truyền thống của mình suốt nửa thiên niên kỷ qua, dù nhiều lúc tưởng như khó mà tồn tại. Thế nhưng, ở một góc khuất nào đó, con người lại vô tình với những cảnh quan đậm nét thời gian. Trên con đường làng dài và hẹp, thi thoảng ta bắt gặp cánh cổng làng đã mòn dần niên đại, những viên gạch Bát Tràng hình vuông nằm chen lấn ngổn ngang, căn nhà nơi lần đầu tiên bản Tiến quân ca có mặt trên đời nằm im lìm, vắng lặng, văn chỉ cửa đóng then cài... Người Bát Tràng vẫn cứ tự hào về những giá trị ấy, nhưng vô tình quên đi trách nhiệm của mình đối với thế hệ sau này.

 

     Ai đến Bát Tràng bây giờ cũng bị cuốn hút bởi những cửa hàng trưng bày đồ gốm sứ tinh xảo, những dịch vụ kèm theo mọc lên như nấm. Nằm khuất sâu trong cái vỏ bọc đô thị, làng Bát Tràng kề cận con sông Hồng cứ bình tâm là thế, giản dị là thế.Chỉ biết mơ một giấc mơ an bình, mơ cho Bát Tràng có thêm nhiều lò ga, lò điện làm mờ đi vệt than trên những bức tường cổ. Mơ cho mảnh làng nhỏ vốn đã quá nhọc nhằn trong vòng xoay của thị trường, tìm lại được chút nào đó những hoài niệm cũ, chắt chiu từ ngàn xưa...

 

 

Lượt truy cập: 3455 - Cập nhật lần cuối: 21/09/2011 17:23:12 PM

Giỏ hàng