Bát Tràng một điềm sáng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội

      Từ lâu, Bát Tràng đã nổi tiếng với nghề gốm sứ. Gạch - một trong những sản phẩm của làng nghề này đã đi vào câu ca “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng. Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Song, ngôi làng cổ ven sông Hồng ở đối diện không xa kinh thành Thăng Long này không chỉ có vậy.

      Nơi đây còn là một làng khoa bảng, với nhiều người đỗ đạt cao nức tiếng cả nước. Không kể Giáp Hải - Trạng nguyên khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính, đời vua Mạc Đăng Doanh (năm 1538) có quê gốc ở Bát Tràng, thì làng này có tới tám vị đỗ đại khoa dưới thời phong kiến. Một con số không phải là nhỏ so với một làng quê nhỏ bé có truyền thống làng nghề và giỏi thương mại này.

 

 

     -Vương Thì Trung (1537 - ?), tên hiệu là Chất Trai là người mở đầu thành tích khoa bảng Bát Tràng. Năm 53 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị 2, đời vua Mạc Mậu Hợp (1589). Ông làm quan nhà Mạc tới chức Hình khoa Đô cấp sự trung, tước Thuyên lâm hầu. Song, theo các tài liệu địa phương thì ông làm đến chức Thượng thư Bộ Binh, hàm Trung Trinh đại phu.

 

     Sang thế kỷ XVII, Bát Tràng có 5 người đỗ đại khoa, trong đó họ Nguyễn và họ Lê có hai anh em ruột cùng đỗ Tiến sĩ. Cụ thể:

 

     - Trần Thiện Thuật (1659 - ?), tự là Trung Mã, đỗ Tiến sĩ khoa thi Hội năm Quý Hợi, niên hiệu Chính Hoà 4, đời vua Lê Hy Tông (năm 1683) khi còn rất trẻ, mới 25 tuổi. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ, sau bị giáng xuống làm Giám sát Ngự sử.

 

     - Nguyễn Đăng Liên (1676 - ?), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh, đời vua Lê Dụ Tông (năm 1706), làm quan đến chức Tự Khanh. Tài liệu địa phương cho biết, ông làm đến chức Thượng Bảo khanh, Tri Thị nội thư, Tả Binh phiên, tước Phương Thái bá; khi mất được tặng Hàn lâm viện Thị độc, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, thuỵ là Hoà Hậu tiên sinh. Ông là anh ruột Nguyễn Đăng Cẩm, anh em đều đỗ đại khoa và đồng triều.

 

     - Nguyễn Đăng Cẩm (1678-1736), là em Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liên, đỗ khoa sĩ vọng, được bổ làm tri huyện. Khoa Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông (1718), ông đỗ Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Triều liệt đại phu. Sau khi mất, ông được tặng Phó Đô đốc ngự sử.

 

     - Lê Hoàn Viện (1689 - ?), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11, đời vua Lê Dụ Tông (năm 1715), khi mới 27 tuổi. Ông làm quan đến Thừa chính sứ Sơn Tây. Theo tài liệu địa phương, ông được xếp vào hàng đại phu, làm quan đến chức Sơn Tây Tán trị Thừa chính sứ ty. Ông là anh ruột Tiến sĩ Lê Hoàn Hạo.

 

     - Lê Hoàn Hạo (1699-?), em Tiến sĩ Lê Hoàn Viện, còn có tên là Hoàn Toản. Năm 29 tuổi, thi Hương đỗ Giải nguyên, sau thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Bảo Thái 8, đời vua Lê Dụ Tông (1727), làm quan đến Học sĩ, tước Gia Trạch Bá, được về trí sĩ. Tài liệu địa phương chép, ông làm đến Đông các Đại học sĩ, sau khi mất được tặng Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu.

 

Sang thế kỷ XVIII và XIX, Bát Tràng có 2 người đỗ đại khoa là:

 

     - Lê Danh Hiển (1757-?) còn có tên là Lê Hoàn Hiển, Giải nguyên trong kỳ thi Hương, đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Tỵ, niên hiệu Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông (1785). Ông làm quan đến Đề hình Giám sát Ngự sử, Đốc đồng Thanh Hoa, sau làm quan triều Tây Sơn, đến Lễ bộ Hữu thị lang, tước Gia Phái hầu.

 

     Vũ Văn Tuấn (1803 - 1860), tên tự là Trạch Khanh, hiệu là Bạch Sơn, thi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838). Ông nổi tiếng là tấm gương vượt khó kiên trì học tập. Từ bé, Vũ Văn Tuấn vóc dáng mảnh khảnh, người yếu nhưng lộ tư chất thông minh, ham học. Mẹ ông là người phụ nữ tảo tần, quanh năm đi làm nuôi chồng con mà không có nổi căn nhà, phải đi ở nhờ. Nhà nghèo, sách không có học, Vũ Văn Tuấn phải mượn sách của bạn để sao lại.

 

     Dầu thắp đèn không có, ban đêm Vũ Văn Tuấn phải nhờ ánh trăng để học. Năm 16 tuổi, Vũ Văn Tuấn được thày đưa ra Thăng Long học ông nghè Lương Đồng, huyện Đường Hào. Song, phải đến khoa thi Đinh Dậu đời Minh Mạng (1838), ông mới đỗ cử nhân. Đến khoa ân khoa Quý Mão, đời Thiệu Trị (1843), ông mới đỗ Tiến sĩ.

 

     Năm 1844, ông vào Huế nhận chức Hàn Lâm viện Biên tu, rồi đổi làm Tri phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Tại đây, ông còn mở thêm trường dạy học. Ông đã xin cho dân huyện Tống Sơn được giảm thuế và lính thú, được dân huyện nhớ ơn, dựng bia ở Văn chỉ hàng huyện. Năm đầu Tự Đức, Vũ Văn Tuấn được triệu về kinh, bổ chức Thị giảng, sung Sử quán Toàn tu, hàm Thị độc.

 

     Năm Tự Đức thứ sáu (1653), ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh. Về nước, ông được vua Tự Đức ban cho bốn chữ “Cần, lao, khả lục” và bảy bài thơ Ngự chế. Được về làng nghỉ một tháng, ông bỏ tiền cùng dân làng tu sửa lại đình làng và văn chỉ. Hiện trong đình vẫn còn bức hoành phi có 4 chữ “Bạch thổ danh sơn” của ông cung tiến. Năm Tự Đức thứ mười (1857), ông được bổ làm Án sát Hưng Hoá, hàm Thị giảng học sĩ. Ba năm sau, 1860, ông lâm bệnh mất ở nhiệm sở, được ban tên thuỵ hiệu là Đoan Trực. Vũ Văn Tuấn là người đỗ đại khoa cuối cùng của làng Bát Tràng.

 

     Ngoài 8 vị đại khoa kể trên, Bát Tràng còn có nhiều người đỗ trung khoa (Hương cống, Cử nhân), trong đó phải kể đến Phạm Văn Bích - một trong “Tứ hổ Bắc Hà” (gồm: Siêu-Thiều-Bích-Quát) nổi tiếng từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Cử Bích đã để lại nhiều văn tập và thi tập, trong đó có bài phú Khóc vợ, hiện nhiều người Bát Tràng còn biết, với những lời thống thiết.

 

     Làng Bát Tràng nằm sát mép sông Hồng cuộn chảy nên luôn bị xói lở. Sống trong doi đất hẹp, người Bát Tràng phải tận dụng từng tấc đất để vừa làm nhà ở, vừa có nơi làm nghề. Sở dĩ có được những con số ấn tượng trong khoa cử trên, trước hết, Bát Tràng có yếu tố địa lợi “Nhất cận thị, nhì cận giang”.

 

     Làng nằm cận kề kinh thành Thăng Long và vùng đất học Kinh Bắc là những nơi có bề dày nghìn năm văn hiến, kinh tế khá phát triển, nhân tài nhiều, con người dễ có điều kiện ăn học, phát triển tài năng. Quan trọng hơn Bát Tràng có chế độ khuyến học và trọng dụng nhân tài tương đối thoả đáng.

 

     Trong ngày hội làng xưa, có 4 chiếu ở nơi trang trọng nhất trong đình làng, trong đó chiếu thứ hai dành cho những người đỗ Tiến sĩ, khi không có người đỗ thì chiếu đó vẫn để trống. Những người đỗ Tiến sĩ (nếu là ngạch võ có hàm quận công), sau khi mất, vào ngày giỗ được lý trưởng thay mặt làng mang một chai rượu đến thắp hương. Văn chỉ làng Bát Tràng có ba điểm khác biệt với Văn chỉ các làng khác, nhằm cổ xuý và đề cao người làng học tập. Một là, ngoài cổng có đề ba chữ “Ngưỡng di cao” (một ý trong Luận ngữ), nhắc nhở người làng phải luôn phấn đấu vươn lên cao hơn trong học tập. Hai là, các sinh hoạt trong văn chỉ bao gồm: Xuân - Thu tế thì những người đỗ tú tài mới được vào dự; còn bình thơ, bàn việc học hành, biểu dương thành đạt thì là “quyền riêng” của những người có khoa mục. Ba là, ngoài việc thờ Khổng Tử và các học trò, các vị đại khoa, trung khoa và tiểu khoa, Văn chỉ còn thờ cả những Tiên Nho, tiên hiền của làng.

 

     Xưa kia, tuần phiên làng, ngoài nhiệm vụ bảo vệ làng, còn có trách nhiệm giúp các kỳ mục, chức dịch đôn đốc việc học của học trò trong làng. Các tuần phiên phải biết rõ trong làng có những gia đình nào có con em đang đi học, học lớp mấy. Đến trống canh hai, tuần phiên đi qua nhà các học trò mà thấy vắng tiếng đọc sách thì phải báo cáo cho các kỳ mục, hôm sau, người học trò đó bị nhắc nhở.

 

      Đấy là những thuận lợi, cũng là động cơ để các sĩ tử gắng công dùi mài kinh sử và quyết tâm thi đỗ và đó cũng là lý do khiến các gia đình khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho con em ăn học.

 

     Trong sự thành đạt về học hành của người Bát Tràng, không thể không nhắc đến công lao rất lớn của những người phụ nữ. Việc nuôi chồng, con ăn học thành đạt được coi là niềm tự hào và là “tiêu chí” của người phụ nữ Bát Tràng. Họ làm chủ lò gốm, tần tảo ngược xuôi buôn bán để chồng con được chuyên chú vào việc học, không phải bận tâm vào việc gia đình. Sách Bắc Ninh địa dư chí chép : “Bát Tràng tục lệ rất văn nhã, trong làng thì gác lầu san sát, thuyền bè tụ tập, gái thạo buôn bán, trai quen nếp phong lưu”.

 

     Cũng chính vì thế, phương ngôn có câu “Sống làm trai Bát Tràng, chết làm thành hoàng Kiêu Kỵ”. Kiêu Kỵ, một làng thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh xưa (nay thuộc Hà Nội) hay lễ bái. Trai Bát tràng phong lưu “Bé thì cơm mẹ cơm cha, nhầng nhầng cơm vợ, về già cơm con”. Tiêu biểu cho người phụ nữ Bát Tràng là mẹ của hai Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liên và Nguyễn Đăng Cẩm. Cả đời bà chỉ đi “vuốt bát” thuê, dành dụm tiền bạc để nuôi con ăn học.

 

     Chính vì người phụ nữ có công lớn đối với gia đình mà ở Bát Tràng có hiện tượng tương đối đặc biệt: con dâu luôn được bố mẹ chồng quý trọng, quan hệ xấu “mẹ chồng, nàng dâu” vốn là cố hữu ở các làng quê Việt trên vùng châu thổ sông Hồng song ở Bát Tràng chỉ là hy hữu. Và, cũng chính vì người phụ nữ có công nên Bát Tràng còn có một tục lệ đặc biệt khác so với hầu hết các làng Việt: phụ nữ được ra đình làm lễ trong ngày hội, song không được vào lễ ở hậu cung.

 

     Từ năm 1945 đến nay, truyền thống học hành khoa bảng ở Bát Tràng không bị đứt gãy, mà vẫn tiếp tục được nghiệp học của mình. Đến nay, làng có trên 300 người tốt nghiệp đại học, trong đó có tới 30 người có học hàm, học vị (họ Trần có 8 người, họ Phùng có 4 người, họ Lê 5 người, họ Nguyễn có 6 người). Đây là một thành tích đáng kính nể, là niềm tự hào của Bát Tràng. Hương ước làng Bát Tràng có nêu (Dịch chữ Hán):

 

Lấy nhân đức khuyên bảo nhau chớ kể giầu nghèo

 

Lấy điều phải làm lẽ sống phải luôn tự sửa mình

 

Đối xử với nhau theo lễ tục không được lấn lướt

 

Hoạn nạn giúp nhau không được manh tâm chiếm đoạt.

 

     Dưới chế độ xưa, người làm thợ gốm chỉ được xếp hạng thứ hai trong làng (sau các quan văn võ và những người giầu có), nhưng hàng năm, vào Rằm tháng Hai âm lịch, ngày đầu tiên vào đám, làng biện lễ ra đình một con trâu tơ thật béo, thui vàng, đặt trên chiếc bàn lớn, kèm theo là 6 mâm cỗ và 4 mâm xôi. Khi lễ xong, cỗ được hạ xuống chia đều cho các vách (hạng) cùng nhau ăn uống vui vẻ.

 

     Điều đó thể hiện sự đổi mới, bình đẳng, coi trọng lao động của người Bát Tràng. Vì thế, làng Bát Tràng vẫn giữ được truyền thống một làng khoa bảng, một làng văn, một làng nghề gốm sứ nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Giờ đây, Bát Tràng càng nổi tiếng thế giới hơn qua việc đã có nhiều đóng góp xây dựng Con đường gốm xứ - một Kỷ lục Ghinet của Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua.

Lượt truy cập: 2783 - Cập nhật lần cuối: 29/09/2011 11:55:51 AM

Giỏ hàng